Thứ Ba, 30 tháng 7, 2013

Phá thai thế nào là an toàn?


Có rất nhiều biện pháp phá thai, vậy phá thai thế nào là an toàn để đảm bảo sức khỏe sinh sản? Theo Tổ chức Y tế Thế giới, phá thai đứng vị trí thứ ba trong số các nguyên nhân gây tử vong cho phụ nữ mang thai và Việt Nam nằm trong số các nước có tỷ lệ phá thai cao.

Số lần nạo hút thai trung bình của một phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nước ta (19-45 tuổi) hiện nay là 0,5 lần. Con số này chiếm tỷ lệ cao ở các thành phố, đô thị lớn. Có những trường hợp từ 15-39 tuổi đã nạo thai tới 3-4 lần...


Hậu quả của phá thai không an toàn

Các trường hợp nạo phá thai không an toàn đã đưa đến nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng... và có không ít trường hợp gây tử vong.

Cũng cần khẳng định lại rằng hút điều hòa kinh nguyệt hoặc nạo thai không phải là một biện pháp tránh thai, mà chỉ là một giải pháp thụ động nhằm giải quyết những thai nghén ngoài ý muốn và nhiều khi đã dẫn đến tai biến do “nạo phá thai không an toàn”.

Để đảm bảo an toàn

- Để bảo đảm an toàn mọi trường hợp thai nghén ngoài ý muốn, khi cần nạo phá thai, chị em nên đến các cơ sở y tế của nhà nước hoặc các cơ sở y tế tư nhân được phép thực hiện các thủ thuật này.

- Chỉ nạo, hút, phá thai sau khi đã được cán bộ y tế chuyên ngành sản - phụ khoa và kế hoạch hóa gia đình tư vấn một cách thấu đáo. Về phía người muốn thực hiện nạo phá thai thấy thực sự yên tâm, thoải mái và tin tưởng ở cơ sở y tế dịch vụ đó.

- Không hút hoặc nạo phá thai ngoài tuổi thai đã quy định. Cụ thể: hút thai có chậm kinh so với tháng trước từ 7-10 ngày; nạo phá thai có chậm kinh tính từ ngày kinh cuối cùng đã là 8-9 tuần lễ và phải do cán bộ y tế được đào tạo về sản khoa thực hiện.

Trước khi được nạo, hút thai, thai phụ phải được kiểm tra sức khỏe toàn diện và làm các xét nghiệm cần thiết như công thức máu. Đôi khi phải xét nghiệm nước tiểu và X quang tim phổi, hoặc ở nơi có điều kiện cần phải làm cả siêu âm.

Sau khi hút thai, nạo thai, thai phụ cần được nằm lưu lại tại cơ sở y tế ít nhất 2 giờ để được theo dõi tình trạng chung, đặc biệt để xem có chảy máu, đau bụng nhiều và có bất thường nào nữa không. Sau đó khi về chị em cần thực hiện đúng việc điều trị kháng sinh do thầy thuốc chỉ định.

Các thầy thuốc cần hướng dẫn về chế độ nghỉ ngơi, chăm sóc, tự theo dõi phát hiện sớm các dấu hiệu nguy cơ có thể gặp để đến ngay cơ sở dịch vụ khám, xử trí và lịch hẹn khám lại...

Nếu trong quá trình nạo hút thai có bất thường phải được xử lý cấp cứu tại chỗ hoặc được chuyển tuyến cao hơn, hoặc được tuyến trên về hỗ trợ kỹ thuật an toàn cho thai phụ.

Với thai to trên 3 tháng, chỉ có khoa sản bệnh viện tuyến tỉnh trở lên mới được giải quyết và cũng phải trong tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép. Chỉ giải quyết những thai trước 6 tháng tuổi tức là khi chiều cao tử cung dưới 20cm.

Ngay sau khi phá thai, khách hàng cần được hướng dẫn và cung cấp các biện pháp tránh thai (BPTT), khuyến khích nên sử dụng bao cao su để tránh thai ngoài ý muốn và phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục, hướng dẫn sử dụng BPTT khẩn cấp nếu sinh hoạt tình dục không được bảo vệ.

Lời khuyên

Nên sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, không để có thai ngoài ý muốn. Khi đã có thai ngoài ý muốn, nên nhanh chóng quyết định và đến các cơ sở y tế khi tuổi thai còn nhỏ.

Để bảo đảm hút, nạo, phá thai an toàn chị em cần đến các cơ sở dịch vụ y tế sản phụ khoa tin cậy, có đủ điều kiện thực hiện nạo, phá thai theo quy định. Tại những cơ sở này, chị em sẽ được các cán bộ y tế tư vấn để tự quyết định việc phá thai và cùng cán bộ y tế lựa chọn phương pháp phá thai phù hợp trên cơ sở nắm được các thông tin về phương pháp phá thai quy trình phá thai các tai biến nguy cơ có thể gặp, cách tự chăm sóc sau thủ thuật và các biện pháp tránh thai phù hợp ngay sau thủ thuật phá thai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét